Con xa nhà đã ba năm rồi ba mạ nhỉ, và cũng đã ba mùa lụt không được đi thả lưới bắt cá với ba. Ở đây cũng có lụt mà con không khi nào dám lội hết ba à. Hôm nay ngồi đọc báo, thấy người ta nhớ Huế làm con cũng nhớ quê mình, nên ngồi tỉ tê viết vài dòng cho đỡ nhớ nhà.
Hôm qua đài báo miền Trung có bão, nghe đâu Huế mình cũng bị ảnh hưởng,
con nghĩ kiểu gì rồi cũng sẽ lụt một trận to. Cả tháng trời không gọi
ra hỏi thăm ba mạ, tự nhiên nghe báo lụt bão con thấy bồn chồn, trong dạ
không yên. Lụt lội đã trở thành một phần trong kí ức của một người con
xứ Huế.
Ba lúc nào cũng nói: “Mi mỗi lần gọi ra là biết chắc xin tiền mạ mi
rồi”, nghe cũng đúng nhưng lần này không phải vậy đâu ba. Hôm nay con
thực sự nhớ nhà, nhớ ba mạ và quê hương mình da diết. Con gọi ra hỏi
thăm để biết được tình hình lũ lụt ở nhà, để mong nghe được hai tiếng
bình an từ ba, mạ.
Khoảng 8 tuổi con đã được cùng ba đi thả lưới. Con nhớ cái cảm giác
ngồi trước mũi ghe, ba ngồi sau chèo, gió và sóng cứ thế tấp vào người
hai cha con mình lạnh buốt, môi tím ngét và răng cắn nhau kêu độp độp…
Vậy mà ba với con vẫn bơi ghe khắp cả vùng nước bạc, nhấn chìm cánh đồng
sau lũy tre làng mình.
Con mong đợi nhất là mỗi lần thả lưới vào sáng hôm sau, lưới sẽ mắc đầy
những con cá gáy, cá leo thật to. Những con cá gáy chất đầy cái thau
giặt, to như cục tấp lô với bụng trứng bự chảng, mạ mà kho nước ăn với
cơm nóng thì hết chê. Còn những con cá leo thì to bằng bắp chân bỏ vào
thùng sơn cuộn tròn hơn một vòng , mạ sẽ nấu cháo cho cả nhà hoặc um
măng chua ba nhỉ? Buổi trưa như thế chắc chắn cả nhà sẽ no căng.
Lớn lên một chút, ba không đi thả lưới chung với con nữa, ngày lụt ba
ngồi soạn giáo án, con thì vẫn đứng phăng lưới đợi đến giờ ba nói “ đi
thả lưới hèo”. Ba chẳng nhắc gì đến việc đi thả lưới, làm con thấp tha,
thấp thỏm … muốn đi mà không dám. Chỉ cần một ánh nhìn của ba là con đã
thấy sợ dù ba chưa bao giờ đánh đập con.
Sau dần con cũng đã tự đi thả lưới một mình tuy rằng không có được cảm
giác an toàn như đi với ba. Một giờ trưa đi thả lưới ngoài đồng, gió nồm
phất phơ trước mặt, con chèo ghe một mình nghe sóng vỗ mạn ghe rầm rầm
mà thấy run và sợ hãi. Nhiều lúc thả lưới xong leo lên ghe, người con
ướt sũng, đôi khi còn dính thêm mấy con đĩa. Những kỉ niệm ấy chưa bao
giờ con có thể quên được ba ạ.
Quê mình thấp quá phải không ba? Chỉ một trận mưa là phố phường ngập
nước, vậy mà con lại thích. Có lớn lên cùng với những con lũ mới hiểu
được nỗi niềm của những kẻ xa quê. Con nhớ những lần đi bắt ve sầu trên
cây nhãn (luôn tiện ăn trộm nhãn), rồi đi bắt châu chấu tre, trèo cây
cau lấy chim sẻ về nuôi… ba giận quá trời nhưng cũng không mắng nửa câu.
Ba có nhớ mùa lũ năm con trốn học, lén đi bắt dế mèn, đi tát cá, đi thả
diều, đá banh ngoài ruộng… không ba? Đó là mùa lụt con thích nhất
trong đời ba ạ.
Giờ nghĩ lại, cả làng có mình con là ưa lụt nhất, mới hè con đã đi chặt
tre đan chẹp, đan chơm, làm rớ… để đợi con nước lụt đầu tiên, để được
đắm mình dưới nước mưa, bắt những con cá bụng trứng căng chằng về cho mạ
nấu, mạ kho. Ba thấy không, chỉ có mấy ông già nhất làng mình mới đan
được mấy cái chẹp to, vậy mà con cũng đan được dù rằng cái của con làm
không được đẹp.
Ba, mạ có biết vì sao con lại thích lụt nữa không? Đó là vì sẽ được
nghỉ học, với lũ con nít thì đi lội lụt thực sự vui hơn đi học. Mỗi lần
lội ướt về mạ bắt thay một bộ quần áo khác, một ngày chắc phải thay tới
4, 5 bộ. Không biết mạ giặt có mệt không, chứ giờ ở đây con đi học về
giặt có một bộ đồ thôi mà đôi lúc mệt bở hơi tai.
Mùa lụt quê mình khi nào cũng cúp điện, tối leo lên giường ngủ luôn đỡ
phải học bài. Không hiểu sao thời nhỏ con lại nhác học đến vậy. Con nhớ
hồi năm lớp 5, ba đưa quyển sách toán bắt làm thêm, con giải đúng một
lần rồi đem giấu ở kho lúa, tưởng sẽ không phải làm nữa. Ai ngờ đến ngày
lụt ba lên dỡ lúa đi xay thì tìm được, con thót tim rụng rời tay chân,
ngày hôm đó con ăn cơm không dám phát ra tiếng động.
Thời gian thấm thoắt trôi, giờ con đã là sinh viên đại học, sống xa nhà
hơn 1000 cây số, rời xa vòng tay ba mẹ để học cách trưởng thành. Con
nhác học, ba mạ cũng không la được nữa, chỉ nhắc nhở qua điện thoại, con
chỉ biết cười và dạ vâng.
Sài Gòn không giống quê mình ba mạ ơi, cuộc sống quá nhanh và gấp gáp.
Chẳng có mùa bắt ve, bắt dế và cũng không có mùa lụt. Trời nóng, xe đông
không giống ở quê, nhưng con sẽ cố gắng sống tốt bằng chính tấm lòng và
tâm hồn mà ba mạ và quê mình đã bồi đắp cho con. Những cảm xúc, những
kí ức về quê hương đã ăn sâu vào trái tim con, dù đi đến nơi nào thì ba
mạ, gia đình, làng quê cũng là nơi cuối cùng con mong ngóng được quay
về.
Ba mạ sinh ra bốn người con nhưng tất cả đều lập nghiệp phương xa. Hai
người ở Sài Gòn còn hai ở Đà Nẵng, chỉ còn mình ba mạ ở Huế. Ba mùa lũ
rồi không ai đi thả lưới với ba, một mình ba bắt cá chắc cũng buồn ba
nhỉ? Cá ba bắt được, mạ gửi cá vô cho anh chị ở Đà Nẵng, ai ăn cũng khen
ngon. Hôm gọi điện ba nói: “Mạ mi toàn gửi cá to, cá ngon vô cho bây
ăn, tau toàn ăn cá nhỏ”, rồi hờn dỗi “mạ mi khi mô cũng lo cho tụi bây
thôi, không lo cho tau chi hết”. Thầy giáo hơn 50 tuổi rồi mà dễ thương
quá.
Ba à, mạ thương ba nhất đó ba và con thương ba mạ nhất trên đời.
TP Hồ Chí Minh, ngày 1/10/2013
>> Xem thêm: Thương lắm Huế ơi
Phạm Hữu Đứ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét